Home Đời sống Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Chi tiết sao kê Quỹ từ thiện Hằng Hữu được gửi đến cơ quan chức năng

Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Chi tiết sao kê Quỹ từ thiện Hằng Hữu được gửi đến cơ quan chức năng

by Ban Biên Tập

Tài liệu sao kê chi phí tài chính làm công tác thiện nguyện của Quỹ từ thiện Hằng Hữu đã được gửi tới các cơ quan luật pháp trước ngày xét xử. Đây là lần đầu tiên bản sao kê được công bố.

Quỹ từ thiện Hằng Hữu tài trợ hơn 467,6 tỷ đồng để giúp đỡ cộng đồng

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 25/4/2023, Viện KSND TP.HCM đã ra Cáo trạng số 236/CT-VKS-P2 quyết định truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử đối với bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hình ảnh một số trang trong hồ sơ sao kê Quỹ từ thiện Hằng Hữu đã được gửi tới các cơ quan luật pháp. Ảnh do PV Dân Việt chụp lại.

Thời gian bà Nguyễn Phương Hằng livestream “đấu khẩu” với nhiều cá nhân trên mạng xã hội (từ tháng 3/2021 – tháng 3/2022), bà Hằng đã liên tục yêu cầu một số nghệ sĩ, người nổi tiếng (từng kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền để làm từ thiện) phải thực hiện sao kê, minh bạch tài chính…

Ở chiều ngược lại, một số người yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng phải sao kê Quỹ từ thiện Hằng Hữu (do vợ chồng bà Hằng sáng lập từ năm 2014).

Tuy nhiên, sau khi bà Hằng bị khởi tố và bị tạm giam (24/3/2022), việc sao kê Quỹ từ thiện Hằng Hữu chưa thể thực hiện.

Ngày 10/6, nguồn tin riêng của Dân Việt cho hay, các tài liệu sao kê xung quanh hoạt động thiện nguyện của Quỹ từ thiện Hằng Hữu đã được gửi đến cơ quan chức năng.

Cụ thể: Bảng sao kê tổng hợp của Quỹ từ thiện Hằng Hữu thể hiện, từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/3/2023, có 49 đơn vị, tổ chức đã được Quỹ từ thiện Hằng Hữu tài trợ hơn 467,6 tỷ đồng để làm công tác từ thiện giúp đỡ cộng đồng.

Trong số các đơn vị được Quỹ từ thiện Hằng Hữu tài trợ, có 8 bệnh viện (Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP.HCM, Nhi Đồng TP.HCM, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Đà Nẵng, Bình Định, Quân Y 175) phối hợp với Quỹ từ thiện Hằng Hữu thực hiện mổ tim, cứu sống hàng ngàn trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh.

Mặt khác, Quỹ từ thiện Hằng Hữu cũng tài trợ nhiều tỷ đồng xây dựng rất nhiều trường học tại các tỉnh Bình Định, Bình Dương, Bình Phước…; tài trợ xây cầu, làm đường giao thông nông thôn; xây dựng 2 ngôi chùa ở Bình Phước và Bình Thuận; hỗ trợ nước ngọt cho người dân miền Tây Nam bộ mùa hạn mặn…

Trong cao điểm chống dịch Covid-19, Quỹ từ thiện Hằng Hữu đã hỗ trợ hơn 215,2 tỷ đồng cho công tác chống dịch ở nhiều tỉnh – thành phía Nam.

Ở một diễn biến khác, được biết, tại Cáo trạng số 236/CT-VKS-P2 ngày 25/4/2023, Viện KSND TP.HCM kết luận: Các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân được áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi quy định lại điểm s, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ngoài ra, Viện KSDN TP.HCM cũng kết luận, bị can Nguyễn Phương Hằng được một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen về hoạt động thiện nguyện, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi.

Thế nào được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Nói về các tình tiết giảm nhẹ, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, các trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, bao gồm các tình tiết sau đây: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả; có thành tích suất sắc trong học tập, lao động, công tác…

Vợ chồng ông bà Huỳnh Uy Dũng – Nguyễn Phương Hằng (bìa phải, bìa trái) thăm các cháu đã được cứu sống nhờ phẫu thuật tim, tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM năm 2014. Ảnh: ĐQDV

Theo ông Cường, Bộ luật hình sự cũng quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, người phạm tội có thành tích suất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán, người được coi là thành tích suất sắc như sau: “Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…”

Vì thế, khi quyết định hình phạt tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng bị kết tội mà trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ cho thấy trước đây bà Hằng đã thực hiện các hoạt động từ thiện và được nhiều cơ quan tặng thưởng, giấy khen sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra nếu trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng được xác định là người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… cũng được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Có thể bạn cũng thích

© 2023 KhauNghiep.com

 

Email: khaunghiepvn (a) gmail.com