Home Đời sống Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới

by Ban Biên Tập

Sáng 6-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo), chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo COVID-19

Việc triển khai công tác tiêm chủng tiếp tục được đánh giá là vấn đề quan trọng tại cuộc họp. Bộ Y tế cho hay đến hết 2-11, Việt Nam đã tiêm được hơn 262 triệu liều vắc xin, trong đó tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,9% và 83,2%; tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 63,8%; tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%.
Việt Nam đang có bảy nghiên cứu đánh giá hiệu quả vắc xin COVID-19

Ngày 5-10 đã có báo cáo Thủ tướng về tình hình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, tại Việt Nam đang tiến hành bảy nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19.

Dù chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin, nhưng Bộ Y tế cho hay có thể dựa trên kết quả nghiên cứu của thế giới. Hiệu quả của vắc xin sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt 86% (ở tháng thứ nhất sau tiêm).

Sau tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28%.

Theo Bộ Y tế, hầu hết các nghiên cứu có nhận định rằng thời điểm này không thích hợp đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao, gồm cả liều cơ bản và liều tiêm nhắc, mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp.
Vì vậy để phòng, chống dịch hiệu quả thì bên cạnh việc xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, thì cần kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19, cần đẩy nhanh tiêm vắc xin, đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc…

Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu thiếu vắc xin

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dù dịch bệnh kiểm soát được nhưng tình hình vẫn còn những diễn biến phức tạp, trên thế giới xuất hiện nhiều biến chủng mới. Dẫn chứng là Ủy ban Khẩn cấp (EC) về quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 đánh giá thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19.

Do đó, vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp có tính chiến lược, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.

Mặt khác, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp, nên Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, đẩy nhanh tiêm vắc xin.

Theo đó, ông yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin, đảm bảo phân bổ kịp thời cho địa phương gắn với đôn đốc, hỗ trợ để triển khai tiêm hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý về việc mua vắc xin; không để thiếu vắc xin và nếu để thiếu vắc xin, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục và quyết tâm làm bằng được, có phản ứng chính sách kịp thời, gắn với thông tin truyền thông hiệu quả….

Có thể bạn cũng thích

© 2023 KhauNghiep.com

 

Email: khaunghiepvn (a) gmail.com